Nên sử dụng những tài liệu nghiên cứu như thế nào?
- Simon Dang
- 4 thg 3, 2022
- 4 phút đọc

Tài liệu nghiên cứu sử dụng cho một bài báo khoa học (journal article) có thể có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là các loại sau: sách (book), chương sách (book chapter), báo cáo (report), và bài báo khoa học (journal article)
Chọn tài liệu nào để trích dẫn là một việc cực kỳ quan trọng và nó phản ánh chất lượng học thuật của bài báo khoa học của bạn. Hiển nhiên nếu bạn trích dẫn kết quả từ các bài báo từ các tạp chí dỏm, kém chất lượng, ăn thịt (predatory journal)..v..v…, các tạp chí tốt sẽ có quyền nghi ngờ phẩm chất và nội dung bài báo của chính bạn khi các lập luận của bạn dựa trên các nguồn KHÔNG hoặc KÉM uy tín. Đây là điều kiện tiên quyết để cân nhắc và nó hiển nhiên được các tác giả có uy tín hiểu ngầm hoặc ngày nay một số tạp chí quy định cứng luôn về việc này.
Vậy thế nào là các bài báo KHÔNG uy tín và KHÔNG nên trích dẫn?
Một bài báo KHÔNG uy tín hoặc nội dung không đạt chất lượng đến từ các nguồn sau:
1. Các tạp chí ăn thịt (predatory journal) (nhấn vào link để xem bài viết riêng về cách nhận diện các tạp chí này)
2. Các tạp chí không có cơ chế bình duyệt (peer-review) hoặc tự nhận là có bình duyệt nhưng không thực chất
3. Các tạp chí không có ngôn ngữ là tiếng anh (ngôn ngữ chung của khoa học)
4. Các tạp chí đến từ các nhà xuất bản ăn thịt (predatory publisher) hoặc nhà xuất bản KHÔNG uy tín
Tuy nhiên một số tạp chí hoặc nhà xuất bản đủ chỉ tiêu vào các chỉ mục được cho là khá uy tín như SCOPUS thì có đủ uy tín chưa? Câu trả lời là tuỳ thuộc, sẽ không ngoa khi nói hầu hết các tạp chí thứ hạng Q3 và Q4 trong chỉ mục SCOPUS là không uy tín hoặc rất kém nếu xét về hàm lượng học thuật.
Vậy với những bài báo thuộc tạp chí vẫn có trong các chỉ mục uy tín thì dấu hiệu nào cho biết nó không uy tín?
1. Tài liệu tham khảo lỏng lẻo, không liên quan, trích dẫn rất hạn chế và đa phần từ các nguồn không uy tín (như trên)
2. Không thuộc bất kỳ hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, hay nhà xuất bản uy tín trên thế giới.
Vậy để cho đơn giản thì chúng ta hãy chỉ nên trích dẫn từ các ấn phẩm khoa học từ các nhà xuất bản uy tín hoặc trong các chỉ mục lớn uy tín như: ABS (Anh), ABDC (Úc), Web of Science (tên cũ ISI), ngoài ra tuỳ vào bối cảnh nghiên cứu của tác giả, một số chỉ mục khác ở Châu Âu cũng có thể được xem xét.
Vậy những nhà xuất bản lớn nào uy tín: sau đây là nhóm BIG 6 (6 ông lớn lĩnh vực xuất bản)
1. Elsevier (https://www.elsevier.com/en-xs )
2. Taylor and Francis (Routledge) (https://www.taylorfrancis.com/ ) hoặc (https://www.routledge.com/ )
3. Wiley and son (Wiley) (https://www.wiley.com/en-us )
4. Sage publication (Sage) (https://journals.sagepub.com/)
5. Springer (https://www.springer.com/gp )
6. Emerald publishing (Emerald) (https://www.emerald.com/insight/)
Ngoài ra còn có các nhà xuất bản khác nhỏ hơn nhưng cũng rất uy tín:
1. Hindawi
2. Inderscience
3. Mary Ann Liebert publishing
4. World Scientific, Singapore
5. IGI Global
Tham khảo thêm tại: https://www.researchgate.net/publication/307967592_Scholarly_Publishing_Why_Smart_Researcher_Hesitate_to_Publish_inwith_Top_Ranking_JournalsPublishers/figures?lo=1
Và các nhà xuất bản trực thuộc top 100 các trường đại học uy tín trên thế giới
1. Oxford University press (OUP) (UK)
2. Cambridge University press (CUP) (UK)
3. MIT press (USA)
4. Harvard University press (HUP) (USA)
…
Danh sách tham khảo các nhà xuất bản trực thuộc đại học trên thế giới
Liệu bạn có tự hỏi, một danh sách quá dài thì làm sao mà nhớ hết?
Thực ra áp dụng các quy luật khoa học 1 chút ở đây, theo luật phân tán của Bradford (Bradford law of scattering) và luật tập trung của Garfield (Garfield’s law of concentration) hay gọi nôm nà là quy tắc Pareto, phát biểu rằng phần lớn các kiến thức mới và uy tín sẽ đến từ một bộ phận nhỏ các tạp chí uy tín đầu ngành, vậy những tạp chí đầu ngành này ở đâu?
Là một nhà nghiên cứu lâu năm, bạn dư sức trả lời các câu hỏi này.
Nhưng là một nhà nghiên cứu mới tập tãnh trên con đường học thuật, bạn có thể bám víu vào nhóm BIG 6 vì gần như (chứ ko hẳn toàn bộ) các tạp chí đầu ngành đều được xuất bản bởi 1 trong 6 ông lớn này. Khi bạn tổng quan tài liệu đủ sâu bạn sẽ có thể định hình ngay với topic bạn nghiên cứu thì những tạp chí nào có số lượng công bố cũng như trích dẫn cao nhất, đích thị là nơi quy tụ các kiến thức tích luỹ theo thời gian vì khoa học luôn có tính kế thừa.
Vậy làm thế nào để nhận diện các bài báo đến từ nhóm BIG 6 khi dùng công cụ Google Scholar?
Gõ từ khoá cần tìm, ngay cạnh tên nhóm tác giả sẽ là tên tạp chí và kế bên là tên nhà xuất bản.
Khi bạn làm tổng quan tài liệu đủ sâu, bạn sẽ biết các công bố xuyên suốt về vấn đề thường được công bố ở những tạp chí nào của nhà xuất bản nào…và từ đó bạn có thể dễ dàng tra cứu những tạp chí này được chỉ mục vào các cơ sở dữ liệu lớn nào (vd: ABS, ABDC, ISI, SCOPUS…) và với thứ hạng (Quartile) ra sao?

Đến đây có lẽ các bạn đã có thể hình dung được nên sử dụng những tài liệu nghiên cứu nào cho bài báo của mình rồi. Hiển nhiên tác giả nào cũng muốn công bố ở các tạp chí uy tín có thứ hạng cao và dễ dàng thu hút trích dẫn của các đồng nghiệp trong cùng ngành. Vậy nên sử dụng đúng tài liệu tham khảo từ đầu là bước đầu tiên giúp bạn cập nhật bộ lạc của bạn đang làm việc ở những khu vực nào và gia nhập với họ.
Chúc bạn thành công xuất bản được những công trình có tác động lớn và uy tín.
Nếu bạn có kinh nghiệm muốn chia sẽ thêm, vui lòng comment phía dưới nhé.
Comments