Tìm ý tưởng nghiên cứu như thế nào? (phần 1)
- Simon Dang
- 20 thg 3, 2022
- 3 phút đọc
Thầy bói có cần xem thêm voi?

Có nhiều cách để tìm ra ý tưởng nghiên cứu.
Vậy một ý tưởng nghiên cứu như thế nào là khả thi và có khả năng công bố trên các tập san (journal) cao/tốt?
Một ý tưởng như vậy cần các yếu tố sau:
1. Ý tưởng nghiên cứu phải đang đi giải quyết một vấn đề còn tồn tại hoặc chưa được giải quyết thoả đáng mà giới khoa học gọi là khoảng trống nghiên cứu (research gap)
2. Ý tưởng nghiên cứu cần có đóng góp đáng kể về hoặc là mặt thực nghiệm (empirical) hoặc là mặt lý thuyết (theoretical)
3. Ý tưởng nghiên cứu phải có tính kế thừa và phát triển thêm các kiến thức mới dựa trên những cái đã có (khoa học mang tính kế thừa)
4. Ý tưởng nghiên cứu cần mang tính khái quát hoá cao, có thể áp dụng cho một phạm vi rộng chứ không bó hẹp vào 1 vùng địa lý cụ thể hay 1 công ty, một mô hình địa phương cụ thể nào.
5. Ý tưởng để dễ công bố được các tập san chú ý cần bám sát những vấn đề nghiên cứu mới đang được cộng đồng khoa học quan tâm hoặc các tập san chuyên ngành quan tâm (thông qua phần scope của tập san).
Vậy nên bắt đầu từ đâu?
Với những nhà nghiên cứu mới chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa định hình các lĩnh vực nghiên cứu đặc thù, việc tìm ra một hướng đi hay một chủ đề nghiên cứu sẽ khó. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể.
Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Có rất nhiều chất liệu để 1 hoạ sĩ vẽ 1 bức tranh, hay một nhà văn sáng tác một tác phẩm. Đó chính là đời thực. Dựa vào kinh nghiệm bản thân, dựa vào quan sát, dựa vào báo chí, các bài xã luận, dựa vào tình hình thực tế, chúng ta có thể có những chất liệu đầu tiên manh nha hình thành ý tưởng nghiên cứu…
Ví dụ: dựa vào tình hình dịch bệnh COVID đang đi vào hồi kết, tôi nghi ngờ rằng hành vi mua sắm online các sản phẩm thiết yếu sẽ vẫn tồn tại tuy nhiên tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện khác chứ không hẳn hành vi có thể thay đổi ngay sau dịch bệnh. Cần note rằng, với người Á Đông mà cụ thể là người Việt Nam, văn hoá mua hàng thiết yếu (vdu: gạo đường mắm muối…) thường phải cầm nắm được và ít khi nào được mua online nhưng người tiêu dùng bị buộc phải mua online vì vô số các rào cản trong dịch, vậy khi hết dịch liệu hành vi này còn tồn tại hay không, tồn tại dưới hình thức nào, các yếu tố nào tác động. Đây là ý tưởng nghiên cứu dạng sơ khai.
Để biết nó có khả thi không, chúng ta tiến hành bước tiếp theo là nghiên cứu tài liệu, hay tổng quan tài liệu (literature review), các bạn có thể đọc thêm bài cách tổng quan tài liệu thông minh. Tại sao phải làm tổng quan tài liệu?
Vì các yếu tố đã kể trên, tổng quan tài liệu giúp chúng ta hệ thống lại các kiến thức có liên quan trực tiếp hoặc liên quan gần đến vấn đề nghiên cứu, để xác minh xem liệu đã có câu trả lời cho câu hỏi chúng ta mới tự đặt ra chưa, và câu trả lời đã chỉnh chu chưa, còn sót lại gì chưa rõ để cần làm rõ thêm hay không?
Nếu câu trả lời là có, thì khả năng chúng ta đã tìm được một ý tưởng nghiên cứu khả thi.
Điều tiếp theo cần làm là đào sâu thêm trong các tài liệu đã tổng quan, xem thử còn cái gì cần làm rõ hay chưa rõ cần nghiên cứu thêm không?
Lấy câu chuyện thầy bói xem voi làm minh chứng:
Mỗi nghiên cứu chỉ có thể trong giới hạn của từng nghiên cứu (vdu: giới hạn địa lý, giới hạn số mẫu, giới hạn các yếu tố nhân khẩu học v.v…) mà cho rằng con voi hình: cán chổi (vì xem cái đuôi), con giun (vì xem cái vòi), hình cái quạt (vì xem cái tai), hay hình cột nhà (vì xem cái chân)….chưa kể voi còn có nhiều giống loài khác nhau, như giống voi nhà, hay voi rừng cũng sẽ khác nhau.
Đây chính là tiền đề dẫn đến phải có thêm các nghiên cứu khác để làm rõ mọi ngóc ngách của vấn đề.
Khi các bạn đọc đến đây và áp dụng thành công, ắt hẳn các bạn sẽ có trong đầu vô số chứ không chỉ 1 ý tưởng nghiên cứu đâu. Không tin hả, làm thử đi!
Comments